UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số: 9552 /SGD&ĐT-GDTrH Hà Nội, ngày 30 tháng 9 năm 2015
V/v: Tổ chức Hội thi GVDG thành phố môn
Ngữ văn, Địa lý và Tin học năm học 2015-2016.
Kính gửi: Ông (Bà) Hiệu trưởng các trường Trung học phổ thông.
Căn cứ Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 về việc ban hành Điều lệ "Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên"; Thực hiện kế hoạch năm học 2015 - 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội hướng dẫn tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi thành phố môn Ngữ văn, Địa lý và Tin học cấp Trung học phổ thông (THPT) với những nội dung sau:
I . MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường THPT. Hội thi được tổ chức định kỳ nhằm tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi THPT tạo điều kiện để giáo viên thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy; tổ chức lớp học; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng dạy học.
2. Góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện giáo viên tự học và sáng tạo; Thông qua hội thi, phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của nhà trường và toàn ngành.
3. Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục các môn Ngữ văn, Địa lý và Tin học nói riêng và các bộ môn văn hoá nói chung.
4. Hội thi được tổ chức tập trung như một ngày hội về chuyên môn, phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục. Hội thi năm học này cần quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
II . ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI
1. Đối tượng dự thi
Giáo viên bộ môn Ngữ văn, Địa lý và Tin học đang trực tiếp giảng dạy tại các trường THPT công lập và giáo viên cơ hữu của các trường THPT tư thục.
2. Điều kiện dự thi
- Giáo viên tham gia hội thi phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) đã triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh; SKKN phải được viết thành báo cáo và đã được nhà trường công nhận và xếp loại.
- Giáo viên tham gia dự thi phải đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; có thời gian trực tiếp giảng dạy liên tục từ 3 năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, quản lý lớp học được học sinh và đồng nghiệp đánh giá cao, được lãnh đạo nhà trường xác nhận; được đánh giá, xếp loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp THPT; phải có giấy chứng nhận đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường trong 2 năm trước liền kề; được tuyển chọn qua vòng thi của cụm trường THPT và được Ban chỉ đạo (BCĐ) cụm đề cử.
III. KẾ HOẠCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các trường THPT
- Nhà trường động viên, tổ chức cho toàn thể giáo viên dạy môn Ngữ văn, Địa lý và Tin học cấp THPT trao đổi, nắm vững mục đích và yêu cầu của hội thi.
- Ban Giám hiệu và Công đoàn các trường động viên và tạo điều kiện để các giáo viên giảng dạy bộ môn đều được tham gia hội thi cấp trường (thời gian xong trước ngày 30/10/2015) .
- Thành lập Ban giám khảo (BGK) hội thi cấp trường để đánh giá và lựa chọn mỗi môn tối đa 2 giáo viên tham dự hội thi cấp cụm.
2. Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi ở các cụm trường THPT
Các ông (bà) Hiệu trưởng được phân công làm cụm trưởng có trách nhiệm cùng với các trường THPT trong cụm lên kế hoạch, tổ chức hội thi theo nội dung sau:
- Mỗi cụm thành lập một BCĐ do cụm trưởng là Trưởng ban; thành viên là đại diện Ban giám hiệu các trường trong cụm.
- Sở GD&ĐT uỷ quyền cho BCĐ cụm quyết định nội dung thi, hình thức chọn nhưng phải có thi dạy gồm 02 tiết (01 tiết do giáo viên tự chọn và 01 tiết do bốc thăm ngẫu nhiên).
- Thành lập BGK để giúp BCĐ về mặt chuyên môn. Thành phần BGK gồm các đồng chí Lãnh đạo trường, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên thuộc bộ môn thi có uy tín, kinh nghiệm hoặc chuyên gia giáo dục ở các cơ sở khác, số lượng BGK do BCĐ qui định. Trong quá trình chấm thi, BCĐ phân công một thành viên phụ trách BGK buổi thi tại trường không phải đơn vị mình.
- Hội thi cấp cụm trường được tổ chức trong khoảng thời gian từ 02/11/2015 đến 21/12/2015. Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thi của cụm, gửi về Sở GD&ĐT và các trường trong cụm để giáo viên các môn Ngữ văn, Địa lý và Tin học có thể dự giờ trao đổi học tập kinh nghiệm.
- BGK cho điểm đánh giá ngay sau mỗi tiết dạy theo các tiêu chuẩn được ghi trong phiếu dự giờ và niêm phong gửi về BCĐ của cụm. Kết thúc hội thi, BCĐ của cụm chọn và lập danh sách mỗi môn 02 giáo viên có số điểm cao nhất để tham dự hội thi cấp thành phố. Danh sách gửi về phòng GDTrH trước ngày 25/12/2015 theo mẫu sau:
Danh sách giáo viên tham dự hội thi GVDG thành phố cấp THPT
Năm học 2015 – 2016
TT |
Họ, tên GV |
Giới tính |
Năm sinh |
Bằng cấp CM cao nhất |
Biên chế ( HĐ ) |
Năm vào ngành |
Môn dự thi |
Trường THPT |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3. Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố
- Căn cứ vào kết quả thi cấp cụm, Sở GD&ĐT tổ chức họp với các đơn vị và giáo viên tham dự hội thi cấp thành phố để hướng dẫn và xác định lịch thi cụ thể vào đầu tháng 01 năm 2016.
- Hội thi cấp thành phố tiến hành trong tháng 02 và 3 năm 2016.
- Các giáo viên được chọn dự thi cấp thành phố của mỗi cụm sẽ tập trung dự thi tại một trường THPT không có giáo viên dự thi; BCĐ cụm thống nhất để chọn.
- Tổng kết hội thi cấp thành phố vào đầu tháng 4 năm 2016.
IV. MỘT SỐ YÊU CẦU VỚI GIÁO VIÊN THAM DỰ HỘI THI CẤP THÀNH PHỐ
1. Nội dung thi
- Đề cương chi tiết (khoảng 7 trang giấy A4) SKKN được hội đồng khoa học trường thông qua (có xác nhận) trong năm tổ chức hội thi.
- Một bài kiểm tra hiểu biết về kiến thức chuyên môn trong chương trình giáo dục phổ thông, những qui định của pháp luật liên quan đến giáo dục phổ thông (gọi tắt là bài kiểm tra năng lực).
- Thực hành giảng dạy 01 tiết của môn thi trong chương trình THPT theo kế hoạch giáo dục của đơn vị đăng cai tại thời điểm diễn ra hội thi do BTC thành phố xác định bằng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên trước 01 tuần trong số các tiết dạy đơn vị đã đăng ký dự thi gửi Sở theo qui định.
2. Hình thức thi
- Giáo viên nộp cho Ban tổ chức đề cương chi tiết SKKN được hội đồng khoa học trường thông qua (có xác nhận của trường); Có thể bảo lưu SKKN năm 2014 – 2015 sau khi đã bổ sung, nâng cao; trong đó về nội dung cần tập trung vào những vấn đề phục vụ cho việc đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, khuyến khích các đề tài có nội dung được minh họa qua tiết dạy.
- Bài kiểm tra năng lực (Thi chung ngay sau khai mạc hội thi) là bài thi viết, bằng hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm khách quan. Thời gian làm bài 60 phút.
- Thực hành giảng dạy 01 tiết (đã bốc thăm); tiết dự thi là tiết dạy lần đầu tiên được giảng dạy cho học sinh tại lớp học đó (theo đúng tiến độ, không trùng với nội dung đã dự thi cấp trường, cụm). Giáo viên dự thi được thông báo, chuẩn bị cho tiết dạy trong 01 tuần và chỉ được tiếp xúc với học sinh trước 01 ngày ở thời điểm dự thi.
3. Yêu cầu khác
- Cụm trưởng chọn trường đăng cai tổ chức thi cấp thành phố cho các giáo viên trong cụm; trường đăng cai là trường không có giáo viên dự thi.
- Sau khi bốc thăm ngày dự thi, giáo viên căn cứ vào thực tế việc thực hiện kế hoạch giáo dục tại các lớp của trường đăng cai tổ chức hội thi lựa chọn 03 tiết (1tiết trước, 1tiết đúng, 1tiết chậm so với kế hoạch giáo dục) để đăng kí bốc thăm. Trước ngày thi 01 tuần sẽ tiến hành bốc thăm để xác định tiết dạy và bài dạy chính thức.
- Sau tiết dạy, giáo viên được họp với BGK để nghe thông báo một số nội dung nhận xét. BGK có thể hỏi thêm giáo viên một số vấn đề (nếu cần). Giáo viên có thể trao đổi, đề nghị giải thích về những vấn đề liên quan đến tiết dạy của mình; giáo viên không được phép tiếp xúc riêng với các thành viên BGK trước và sau khi thi.
- Về tiết dạy: Thiết kế bài giảng (giáo án) in thành 08 bản để gửi BCĐ, BGK trước giờ dạy. Tiết dạy phải thể hiện được tinh thần dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh, thể hiện rõ nét tính đặc thù bộ môn; không được yêu cầu học sinh có sự chuẩn bị quá mức bình thường ảnh hưởng tới việc học tập của học sinh đối với các môn học khác. Khuyến khích giáo viên sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại.
- Hồ sơ chuyên môn gồm: tập thiết kế bài giảng, sổ điểm cá nhân, sổ lưu đề bài kiểm tra, sổ ghi các tài liệu tham khảo (nếu có). Hồ sơ xác nhận thành tích đạt danh hiệu GVG gồm: báo cáo thành tích hoạt động chuyên môn của cá nhân (có xác nhận của nhà trường), phiếu dự giờ các tiết dạy, kết quả Hội thi cấp trường, cấp cụm. Đề cương SKKN, giấy chứng nhận giáo viên giỏi nộp cho BGK Thành phố ngay sau tiết dạy.
- Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố phải đạt các yêu cầu: Đề cương SKKN đạt 12 điểm trở lên; bài thi kiểm tra năng lực đạt từ 14 điểm trở lên; tiết thực hành thi giảng đạt loại giỏi (thang điểm 20).
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu ông (bà) Hiệu trưởng trường làm Cụm trưởng, Hiệu trưởng các trường THPT xây dựng kế hoạch và tổ chức hội thi theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT để hội thi đạt kết quả tốt.
Nơi nhận:
- Như kính gửi (để th.hiện);
- Đ/c Giám đốc (để b/c);
- BCĐ&BTC Hội thi GVG TP( để b/c);
- Lưu VP, GDTrH. |
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
( Đã ký )
Chử Xuân Dũng |